Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Đìu hiu làng nghề ăn theo mùa lũ

24/09/2020 - 2264 Lượt xem
Năm nay lũ về muộn, đúng hơn là không còn lũ nữa, khiến những người sống bằng nghề câu lưới lao đao. Các làng nghề phục vụ mùa nước nổi cũng chung cảnh vắng vẻ, đìu hiu.

Ông Lê Văn Nghiệp bên dàn lọp của mình.

Làng nghề đan lọp cá linh ở ấp cồn Cốc, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang vốn nhộn nhịp cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Campuchia, nhưng nay trở nên đìu hiu. Ông Nguyễn Văn Tòng (Út Tòng), Tổ trưởng tổ đan lọp cá linh và là người khai sinh làng nghề nổi tiếng này, cho biết, vào thời điểm này của nhiều năm trước, cồn nhộn nhịp ngày đêm với cảnh ghe xuồng tấp nập mua lọp (dụng cụ đan bằng tre, dùng để đặt xuống nước cho tôm, cá… chui vào rồi nhấc lên). Các nhà san sát nhau đèn sáng thâu đêm rộn ràng tiếng nói cười từ già đến trẻ để đan lọp.

Ông Út Tòng, 70 tuổi, da ngăm đem, tóc bạc trắng, buồn bã nói: “Đến giờ đã tháng 8 âm lịch, nếu không tính nhuận 2 tháng 4 là sang tháng 9 rồi mà nước còn dưới sông, chưa lên đồng nổi thì lấy đâu có người đặt lọp. Mấy tháng trước người ta đặt gần 3.000 cái, nhưng giờ không có nước, họ gọi điện hủy luôn rồi”.

Theo ông Tòng, trước đây, mỗi năm làng nghề có thể cung cấp hơn 100.000 cái, nhưng năm 2015, chỉ làm hơn 10.000 cái, bán chưa được một nửa. Đến năm 2019, lũ về muộn, ông bán được khoảng 3.000 cái, còn năm nay đến giờ chưa bán được cái nào.

“Nước không lên như thế này, dân ở đây có nước phải bỏ nghề. Đời con cháu sau này không biết đến cái nghề đã từng nổi tiếng một thời ở đây”, ông Tòng thở dài.

Nhớ lại thời hoàng kim, ông Út Tòng kể: “Khoảng năm 2000, vào thời điểm sau ăn mùng 5 tháng 5 âm lịch, cả xóm trung bình mỗi nhà có từ 4-5 người thức trắng đêm tranh thủ làm cho kịp giao hàng. Riêng nhà tôi, 3 thế hệ (vợ chồng ông, con trai-con dâu và cháu nội) trên sàn và dưới sàn cả thảy khoảng 15 người, vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. Hễ ai đói bụng thì có người đem mì tôm, cơm đến tận nơi phục vụ. Cả xóm đèn sáng trưng như ở thành phố”.

Mỏi mòn chờ lũ

Không riêng gì làng nghề đan lọp cá linh, nhiều làng nghề khác dọc tuyến biên giới Tây Nam cũng chung số phận. Những xóm nghề đông vui, nhộn nhịp một thời nay trở nên vắng lặng, hầu như chỉ còn nghe tiếng của người già và trẻ nhỏ. Ông Lê Văn Nghiệp ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội vừa mới đi đặt lọp tôm về ngồi trước nhà với nét mặt buồn bã.

“Bây giờ đã trễ gần 2 tháng nhưng nước vẫn chưa tràn đồng nên đặt 50 cái lọp dưới sông, suốt đến dính 5 con tôm bằng đầu ngón tay, đủ cho cháu ngoại ăn bữa cơm”, ông Nghiệp than thở.

Năm nay, ông Nghiệp đầu tư 20 triệu đồng mua nguyên liệu làm lọp tôm vừa để bán vừa để dành đặt. Tuy nhiên, đến giờ, nước vẫn chưa tràn đồng nên chẳng ai mua, ông đành treo dưới sàn nhà, còn một nửa đem xuống sông đặt kiếm ăn qua ngày. 

Ông Dương Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội, nói: “Những người trẻ, lao động chính, phần lớn đã rời quê lên Bình Dương làm thuê, ở nhà còn cụ già và trẻ nhỏ đi học”. Theo ông Hải, toàn xã có 13.704 nhân khẩu, trong đó 361 hộ nghèo, 396 hộ cận nghèo. Cuộc sống khó khăn nên lực lượng lao động chính rời quê đi làm thuê chiếm trên 70%.

Ông Tư Hòa, ở ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, ngồi trong nhà nhìn qua bên kia bờ, cách con kênh là nước bạn Campuchia. Ông bảo, đến giờ nước vẫn chưa tràn đồng thì lấy đâu mà giăng câu lưới kiếm sống. Ông kể, xứ này là rốn cá hay còn gọi là “trên cơm dưới cá”.

Ngày xưa, mùa lũ, ngồi trên sàn ăn cơm, cá lội cả bầy phía dưới, hễ cơm đổ xuống là cá tranh nhau ăn nên chỉ cần ngồi trong nhà cũng vớt được cá, còn bây giờ lội xuống sông còn khó tìm. Trước nguồn cá ngày càng cạn kiệt, thấy khó sống, ba người con của ông kéo nhau lên Bình Dương làm thuê. Hiện tại, chỉ còn vợ chồng già cùng đứa cháu nội ở nhà sống đắp đổi qua ngày.

Nguồn: tienphong.vn
BTV Ngọc Anh

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995