Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Luận bàn

Bắc Giang: Tìm hướng đi cho làng nghề truyền thống

26/10/2020 - 2499 Lượt xem
Công nghiệp phát triển, trong khi người dân chưa thực sự năng động, nhạy bén dẫn tới các sản phẩm làng nghề truyền thống ở nhiều địa phương bị mai một. Đây là thực trạng đặt ra hiện nay và cần có giải pháp để duy trì, lưu giữ, phát triển làng nghề truyền thống tại Bắc Giang.

Người trẻ không mặn mà với nghề

Bắc Giang hiện có 39 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 14 làng nghề truyền thống như: Mây tre đan, xã Tăng Tiến (Việt Yên), rượu Vân Hà và gốm, bánh đa nem Vân Hà (Việt Yên), bánh đa Kế (TP Bắc Giang), dệt thổ cẩm, xã Lục Sơn (Lục Nam), nuôi tằm, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), làm mỳ Chũ, xã Nam Dương (Lục Ngạn),… Đến nay, bên cạnh những làng nghề truyền thống đang phát triển thịnh vượng thì một số làng đã bị mai một hoặc không còn hoạt động.

Công ty TNHH một thành viên my tre đan Tăng Tiến, xã Tăng Tiến (Việt Yên) khó tuyển Lo động làm việc.

Ví như làng nghề dệt thổ cẩm, thôn Vĩnh Linh, xã Lục Sơn (Lục Nam). Cách đây khoảng 25 năm trở về trước, hầu hết nhà nào trong thôn cũng có máy se chỉ, dệt vải. Khi ấy, nghề dệt thổ cẩm mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Trải qua nhiều năm, hoạt động của làng nghề hiện đã bị mai một. Được biết, thôn Vĩnh Linh hiện có khoảng 60 hộ dân, đa phần là người dân tộc Cao Lan nhưng chỉ có hơn chục hộ theo nghề dệt thổ cẩm. Quy mô sản xuất nhỏ, lẻ nhằm tự phục vụ nhu cầu của bản thân, gia đình và một số ít làm quà lưu niệm bán tại khu du lịch.

Ông Dương Văn Quang, một trong những người có công lưu giữ, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm trong thôn chia sẻ, gia đình ông theo nghề dệt thổ cẩm từ mấy đời nay. Con, cháu trong nhà tuy biết nghề nhưng đều đi làm công nhân. Là người Cao Lan, trang phục có đặc điểm riêng; đồng thời muốn gìn giữ bản nét đẹp truyền thống cho nên vào những ngày rảnh rỗi các thành viên trong nhà tự dệt vải, may trang phục hoặc mở lớp truyền dạy nghề cho người có nhu cầu.

Khác với gia đình ông Quang, nhiều thế hệ trẻ ở những gia đình khác trong thôn không biết làm nghề dệt thổ cẩm. Chỉ có một số người già còn giữ nghề, một phần vì nặng lòng với công việc ông cha và do không có việc gì khác để làm. Nguyên nhân được nhiều người chia sẻ đó là phần lớn người dân tộc chỉ sử dụng trang phục vào những ngày lễ hội, giá nguyên liệu tăng trong khi thời gian làm lâu, tốn công sức... nên nghề dệt thổ cẩm không phát triển.

Tương tự, đến làng nghề truyền thống mây tre đan, xã Tăng Tiến (Việt Yên) thời điểm này không còn thấy hình ảnh những bó tăm nhiều màu sắc và các sản phẩm làng nghề phơi dọc hai bên đường làng như trước kia. Thay vào đó là quán hàng dịch vụ, nhà trọ công nhân, nhà máy, khu công nghiệp mọc lên san sát.

Những năm 2003-2008 là thời điểm hoàng kim của làng nghề mây tre đan Tăng Tiến. Khi ấy, từ trẻ nhỏ cho tới người già đều làm nghề để cung cấp sản phẩm đi muôn nơi. Nay vẫn với 4 làng trong xã gồm: Phúc Long, Bảy, Chằm, Chùa nhưng chỉ có khoảng 400 hộ theo nghề với quy mô nhỏ, lẻ. Người dân bỏ nghề truyền thống đi làm trong các khu công nghiệp vì có thu nhập cao hơn. 

Tại Công ty TNHH một thành viên Mây tre đan Tăng Tiến ở thôn Chùa, khu sản xuất có khoảng gần 100 chiếc máy cũ kỹ không có người sử dụng. Trong xưởng, một vài công nhân là người lớn tuổi hoặc chị em phụ nữ bận chăm sóc con nhỏ chưa đi làm công nhân khu công nghiệp đến làm thời vụ kiếm thêm thu nhập. “Mấy năm trở lại đây, đơn vị rất khó khăn về nguồn lao động. Để có đủ hàng phục vụ xuất khẩu, có thời điểm chúng tôi phải thuê nhân công ở các làng nghề tại Hà Nội và Bắc Ninh” - ông Đinh Văn Tỉnh, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Duy trì, phát triển làng nghề

Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin, thực tế hiện nay các làng nghề, nhất là nghề truyền thống có quy mô nhỏ lẻ; thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa; chưa được đầu tư quan tâm về kỹ thuật, mẫu mã bao bì sản phẩm nên khả năng cạnh tranh thấp. Để nâng cao vị thế, hội nhập với nền kinh tế thị trường của các làng nghề đang hưng thịnh cũng như duy trì, lưu giữ các làng nghề đã và đang bị mai một, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Để phát triển, duy trì các làng nghề, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hơn ai hết, chính những người dân làng nghề cần nỗ lực, năng động, nhạy bén trước bối cảnh hội nhập sâu rộng của thị trường để phù hợp với mục tiêu chung là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn. Đồng thời, duy trì những nét truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển hàng trăm năm qua.

Cụ thể, thực hiện khôi phục nghề sản xuất gốm tại làng Thổ Hà; duy trì, bảo tồn nghề làm bánh đa, xã Dĩnh Kế, nghề sản xuất bún Đa Mai (TP Bắc Giang), nghề ươm tơ làng Mai Thượng (Hiệp Hòa), nghề thổ cẩm, thôn Vĩnh Linh (Lục Nam). Đến thời điểm này, các làng nghề đã nhận được sự hỗ trợ về kinh phí đầu tư trang thiết bị máy móc phát triển sản xuất; tập huấn, đào tạo nghề cho người dân, nhất là thế hệ trẻ trong làng.

Bên cạnh đó, một số làng nghề truyền thống sẽ gắn với phát triển du lịch như: Làng nghề mộc (Yên Dũng) gắn với du lịch chùa Vĩnh Nghiêm; làng nghề nấu rượu gạo thôn Yên Viên gắn với du lịch làng cổ Thổ Hà, chùa Bổ Đà (Việt Yên)… Đơn vị cũng triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống để đầu tư phát triển, giới thiệu, trưng bày sản phẩm.

Đối với các làng nghề không còn hoạt động như: Giấy dó, thôn Trại Cao, xã Lục Sơn (Lục Nam); làng nghề vận tải Nguyệt Đức, xã Vân Hà (Việt Yên); làng nghề vôi cay xỉ, xã Đông Sơn (Yên Thế), địa phương cần có định hướng chuyển nghề, du nhập nghề mới... đồng thời tổ chức, hỗ trợ đưa các nghệ nhân, thợ giỏi, người có tay nghề cao đi tham quan, học tập để chuyển hướng nghề phù hợp.

Để phát triển, duy trì các làng nghề, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hơn ai hết, chính những người dân làng nghề cần nỗ lực, năng động, nhạy bén trước bối cảnh hội nhập sâu rộng của thị trường để phù hợp với mục tiêu chung là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn. Đồng thời, duy trì những nét truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành và phát triển hàng trăm năm quan.

Hoàng Phương

Nguồn Báo Bắc Giang http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/340867/tim-huong-di-cho-lang-nghe-truyen-thong.html

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995