Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời tư

Vĩnh Phúc: Khi người trẻ ''quay lưng'' với nghề truyền thống

15/10/2021 - 2807 Lượt xem
Đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn, thế nhưng, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ, lao động có tay nghề.

Dù đã cao tuổi nhưng nghệ nhân Trần Văn Hải, TDP Lò Cang, thị trấn Hương Canh vẫn cần mẫn sáng tạo đồ gốm, mong muốn các thế hệ trẻ tiếp lửa cho nghề truyền thống của địa phương. Ảnh: Chu Kiều

Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 làng nghề được công nhận, trong đó có 19 làng nghề truyền thống, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu gồm mộc, gốm, mây tre đan…

Sự phát triển của các làng nghề thời gian qua đã và đang góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho lao động nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Tuy nhiên hiện nay, các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn lao động, đặc biệt là khi lớp trẻ không còn mặn mà với nghề của ông cha.

Với 2 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, nghề mây tre đan từng là niềm tự hào của người dân xã Văn Quán, huyện Lập Thạch. Còn nhớ thời điểm năm 2015 -2016, trong xã có tới gần 300 lao động làm nghề.

Không chỉ sản xuất các sản phẩm mây tre đan truyền thống như thúng, mủng, dát giường..., nhiều hộ dân trong xã đã liên kết với doanh nghiệp phát triển các dòng sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu.

Dù chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, song nghề mây tre đan khi ấy đã thu hút lượng lớn lao động ở mọi lứa tuổi, nhất là lứa tuổi trẻ, đem lại thu nhập bình quân 2,5 -3 triệu đồng/người/tháng.

Thế nhưng, những điều ấy nay chỉ còn trong ký ức,giờ đây, nghề mây tre đan đang dần mất đi vị thế của mình, toàn xã hiện chỉ còn chưa tới 100 lao động làm nghề.

Chia sẻ về thực tế này, anh Ngô Đình Duy, cán bộ khuyến công xã Văn Quán cho biết: Những năm gần đây, sản phẩm mây tre đan truyền thống bị cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhựa. Mặt khác, doanh nghiệp chuyên thu mua sản phẩm mây tre xiên phục vụ xuất khẩu cũng chuyển hướng kinh doanh.

Đầu ra gặp khó, thu nhập giảm, người dân trong xã không còn mặn mà với nghề. Đặc biệt là những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp được mở ra, phần lớn lao động trẻ không ở nhà làm ruộng, làm nghề mà xin vào làm công nhân tại các công ty với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng/người. Hiện trong xã chỉ có những người lớn tuổi, không đi công ty được là còn bám trụ với nghề truyền thống.

Không gặp quá nhiều khó khăn về đầu ra như làng nghề mây tre đan ở Văn Quán, thậm chí thời điểm chưa có dịch Covid -19, đầu ra của làng nghề gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên có thể coi là khá thuận lợi, sản phẩm làm ra không đủ để bán. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, số lao động còn gắn bó với nghề gốm nơi đây lại ít đến đáng buồn. Cả làng nghề hiện chỉ còn 7 hộ làm nghề với vỏn vẹn chưa đến 30 lao động.

Ông Trần Văn Hải, nghệ nhân làng gốm Hương Canh tâm sự: “Trước đây, tôi cũng tâm niệm truyền nghề lại cho con trai, tìm đủ mọi cách để động viên con theo nghề. Thế nhưng đến lúc học thành nghề thì nó lại chọn ra ngoài buôn bán.

Dù rằng thu nhập từ nghề gốm không phải là thấp, hồi chưa có dịch bệnh, chỉ riêng mấy tháng cuối năm, 2 vợ chồng tôi cũng thu về vài trăm triệu. Thế nhưng giờ chỉ có 2 vợ chồng già còn làm nghề”.

Đây không phải là trường hợp hiếm ở làng gốm. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, cán bộ khuyến công thị trấn Hương Canh: “Thời điểm năm 2002 -2003, thị trấn cũng tổ chức một lớp đào tạo, truyền nghề gốm với 20 lao động trẻ tham gia, do 2 nghệ nhân của làng nghề đứng ra giảng dạy, tuy nhiên, cả 20 lao động trẻ ấy hiện không còn ai theo nghề”

Lý do thì nhiều, thế nhưng có lẽ nguyên nhân chính khiến cho lớp trẻ hôm nay dần “quay lưng” với nghề truyền thống của quê hương có lẽ là vì thiếu đam mê với nghề.

Như ông Hải nói: “Nghề gốm vất vả lắm, người lúc nào dính với đất cát, lại suốt ngày chỉ ru rú ở góc sân. Nếu không có tâm huyết với nghề thì không theo được”.

Có lẽ cũng bởi vậy, trong số những người còn “giữ lửa” làng nghề gốm Hương Canh hôm nay, người trẻ nhất cũng đã bước qua tuổi 40. Không giấu nỗi trăn trở, ông Trọng chia sẻ: “Với thực trạng này, nếu không có chính sách quan tâm hỗ trợ kịp thời, thì chỉ nay mai thôi làng gốm Hương Canh sẽ bị mai một".

Không chỉ riêng 2 làng nghề mây tre đan ở Văn Quán hay làng gốm Hương Canh, hầu hết các làng nghề trong tỉnh cũng đang phải đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt với các lĩnh vực khác về nguồn lao động.

Đặc biệt những năm gần đây, các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều với những lợi thế về môi trường làm việc chuyên nghiệp, mức thu nhập ổn định, được đóng BHXH, BHTN... đã tạo ra sức hút lớn đối với lao động từ khu vực nông thôn. Những lợi thế này cũng là điều mà các làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ hiện nay chưa thể theo kịp.

Để khắc phục sự thiếu hụt lao động trẻ, tay nghề cao của các làng nghề, tránh nguy cơ mai một làng nghề, thì bên cạnh công tác hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, xây dựng đội ngũ kế cận có đủ trình độ phát triển làng nghề, thì các chủ cơ sở, các làng nghề cũng cần có sự đổi mới, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất từ đó góp phần nâng cao thu nhập, thu hút và giữ chân người lao động.

Nguyễn Hường

Nguồn Báo Vĩnh Phúc

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995