Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời tư

Người “mắc nợ” Tây Nguyên

23/08/2021 - 3053 Lượt xem
Dù sinh ra ở một vùng quê duyên hải Nghệ An nhưng nhà văn, nhà báo Uông Thái Biểu (Báo Nhân Dân) đã có hơn 3 thập niên gắn bó với Tây Nguyên và coi nơi này như quê hương máu thịt của mình. Anh từng tâm sự: “Miền núi rừng này với tôi là duyên nợ, là đất sống và cũng có thể sẽ là đất chết của mình…”.

Nhà văn, nhà báo Uông Thái Biểu (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng bào dân tộc Chu Ru ở hạ nguồn sông Đa Nhim, tỉnh Lâm Đồng (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi ấn tượng với những bài bút ký, bình luận của tác giả Uông Thái Biểu về những vùng đất và con người Tây Nguyên từng đăng tải trên các báo, tạp chí. Trong các bài viết đã thể hiện những nhận thức mới mẻ và cảm xúc sâu nặng với nơi chốn mà anh có một quá trình gắn bó, yêu quý.

Những lát cắt về các nhân vật được anh phát hiện và mô tả cũng hiện lên gần gũi, chân thực bằng giọng văn giàu cảm xúc, cứ nhẩn nha mà đầy cuốn hút. Và rồi, tìm hiểu thêm về các tác phẩm của anh, nhất là từ 2 tập bút ký “Mùa lữ hành” và “Gió thổi từ miền ký ức”, tôi cảm nhận một lối viết rất... Uông Thái Biểu. Cách kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ và dẫn dắt cảm xúc của anh có những nét rất riêng, khó lẫn với những cây bút khác.

Có lần tâm sự, anh bảo vùng đất Tây Nguyên thấm lắm, khi đã sống ở đây rồi thì đi đâu cũng muốn quay về. Xứ sở này thực sự như có một lực hấp dẫn không thể cưỡng nổi đối với những người có niềm đam mê khám phá, tìm hiểu hệ thống tri thức bản địa cổ truyền, trải nghiệm và thấu cảm những nét tinh tế trong đa dạng sắc thái văn hóa tộc người.

Uông Thái Biểu nói, anh luôn biết ơn núi rừng và những người anh em đồng bào thiểu số ở đó. Anh thừa nhận, chính văn hóa của họ, lối sống của họ làm thay đổi nhiều trong nhận thức và cảm xúc của mình. Đã từng có thời gian chuyển công tác đến những thành phố đô hội như Hà Nội, Đà Nẵng, nhưng cuối cùng, nỗi nhớ Tây Nguyên dâng trào để rồi Uông Thái Biểu đã xin về lại đại ngàn để tiếp tục được sống và viết giữa vùng đất mà gần như cả đời anh gắn bó, thân thuộc...

Làm báo thì phải chịu trách nhiệm ở nhiều lĩnh vực, nhưng Uông Thái Biểu mê nhất là tìm hiểu, khám phá và viết về văn hóa truyền thống các tộc người bản địa Tây Nguyên. Một đại ngàn mênh mang, sâu thẳm; nơi cư trú, sinh tồn, phát triển và sáng tạo văn hóa của nhiều tộc người anh em. Ở đó, giữa không gian tự nhiên và xã hội Tây Nguyên từ hàng ngàn năm nay đã xây đắp, lưu giữ, trao truyền một hệ thống các giá trị văn hóa đặc thù, phong phú, đa dạng, đa sắc thái.

Sự mê mẩn bắt đầu bằng những hấp lực của vùng đất này và cả sự “bất lực” của anh trong quá trình thâm nhập, khám phá. Anh nói, càng kiếm tìm thêm lại thấy sự trải nghiệm, hiểu biết của mình còn rất mỏng. Nhiều buôn làng từng đến, nhiều tộc trưởng, già làng, nghệ nhân từng gặp.

Bao tháng năm qua, từ bước chân của những chuyến “đi trong tâm thức trở về” của người viết báo, nhiều buôn làng trở thành chốn thân quen, nhiều người đồng bào trở thành thân hữu. Viết về những người dân tộc thiểu số bằng sự trân trọng và mang ơn, tôi có cảm nhận, Uông Thái Biểu luôn coi họ như là tri kỷ, tri âm chứ không chỉ là nhân vật trong một bài báo.

Đến với các buôn làng, anh luôn cảm nhận được sự thân thiết, gần gũi, “tìm đến” mà như đang “trở về”. Quen mà lạ, càng quen càng thấy lạ. Sự lạ lùng của những hiểu biết mới mẻ. Mỗi nhân vật của anh là một vị “hiền minh” của rừng già. Họ mở ra cho người tiếp nhận nhiều điều, đó là những cách hành xử mà họ đã được khai minh bởi lý lẽ ngàn đời của đại ngàn. Uông Thái Biểu cho đó là động lực để anh tiếp tục khám phá, là sự thôi thúc bước chân tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho chính mình về những nghi vấn. “Những gì chưa biết, chưa hiểu thì thường nhiều hơn những điều đã được tiếp cận và cảm nhận” – anh Biểu nói.

Trong một phần đời cầm bút của mình, Uông Thái Biểu nói rằng, anh luôn khắc ghi lời khuyên của Giáo sư Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, khi anh còn là phóng viên trẻ mới bước vào nghề: “Cháu sống và làm nghề viết ở Tây Nguyên, nếu không ít nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa, căn tính của các tộc người bản địa thì bài viết sẽ nhạt nhẽo, đi bên rìa, không thể cung cấp cho người đọc những lớp trầm tích thú vị bên trong...”.

Nhà văn, nhà báo Uông Thái Biểu thăm nhà cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh bảo, anh may mắn được các vị Giáo sư đáng kính gieo cảm hứng cho những hành trình khám phá Tây Nguyên của mình, như: Tô Ngọc Thanh, Trần Quốc Vượng, Phan Đăng Nhật, Ngô Đức Thịnh, Tô Vũ, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn...

“Những câu chuyện với các chuyên gia hàng đầu ngành sử, dân tộc học, khảo cổ học, âm nhạc dân gian... thực sự là những dịp quý mà các vị trưởng lão đã “khai tâm, mở trí” cho kẻ ít học, hiểu biết nông cạn như tôi. Từ những kiến thức mà các bậc thức giả đã “sấy khô, cô đặc” trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình đã khai mở cho tôi, cùng với những trang khảo cứu vô giá của các trưởng bối, đã giúp cho người viết báo ở chốn núi rừng có thêm chút hành trang nhỏ bé khi đến với đồng bào nơi miền đất mà mình yêu quý...” - Uông Thái Biểu bộc bạch.

Đi nhiều, viết nhiều nhưng Uông Thái Biểu không dám nhận mình là người truyền thông điệp mà chỉ là người khát khao chia sẻ. Từ tình yêu đối với núi rừng, từ tình thân với đồng bào bản địa, anh muốn được khai thác, ghi nhận và gửi tới người đọc những nét đẹp và cả những hụt hẫng, hư hao mà mình chứng kiến, cảm nhận. Với anh, đó đã là những việc quá lớn, anh ví nó như biển mà mỗi bài viết của mình chỉ là một hạt muối nhỏ nhoi. Uông Thái Biểu nói: “Tôi không có tham vọng và không đủ sức làm điều gì to tát. Thực sự trong mình chỉ có một tình yêu chân thành và sự cộng cảm với núi rừng, với đồng bào ở xứ sở này...”.

Vậy nhưng, theo ghi nhận của nhà văn, nhà báo Phan Quang - cây đại thụ của làng báo Việt Nam thì Uông Thái Biểu đã phần nào “giải mã” được những nét văn hóa cổ truyền của đại ngàn: “Uông Thái Biểu không tự bằng lòng với cái nhìn thấy trước mắt. Anh cố tìm cái hồn văn hóa dân tộc lẩn khuất đâu đây. Những điều chưa tường tận hay muốn tường tận hơn, với tư cách nhà báo, anh cậy lời các học giả, các văn nghệ sĩ, các nghệ nhân qua những cuộc trao đổi. Văn hóa là sức hấp dẫn mà cũng là cái đền đáp công sức từ những chuyến đi, những lần gặp gỡ của anh...”.

Ngô Khiêm

Nguồn Báo Biên phòng

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995