Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời tư

Nam Định: Chuyện về những người chơi đồ cổ ở Hải Minh

10/07/2021 - 2470 Lượt xem
“Xã Hải Minh (Hải Hậu) vốn ít ruộng nên người dân phải bôn ba từ rất sớm lo cơm áo gạo tiền. Từ nghề buôn đồng nát, chúng tôi có cơ hội đến với nhiều gia đình, được biết nhiều món đồ cổ quý giá. Thú chơi đồ cổ “tao nhã” của nhiều “tay chơi” ở Hải Minh bắt nguồn từ một nghề “không mấy liên quan” là vì thế. Từ sưu tầm đến đam mê và… thành nghề, nhiều người chơi đồ cổ trong xã đã và đang khẳng định được tên tuổi trong giới chơi cổ vật” - Anh Đỗ Văn Thiện, Hội Cổ vật Hải Hậu, thợ chơi đồ cổ có tiếng ở Hải Minh chia sẻ.

Anh Đỗ Văn Thiện, xóm 34, xã Hải Minh giới thiệu các món đồ cổ quý trong nhà.

Gia đình anh Thiện tính đến anh đã có “3 đời chơi đồ cổ”. Ông nội anh, cụ Lý Cả vốn là một thương gia từ những năm 1930 đã từng đi khắp Nam Bắc lùng buôn đồ cổ. Bố anh cũng là một người có niềm yêu thích mãnh liệt với những món đồ cổ quý giá. Cứ như thế, “máu” chơi đồ cổ ngấm vào anh Thiện lúc nào không hay. Thuở thơ bé, trong những “cuộc trà dư tửu hậu” ngồi “hóng” chuyện nhà, anh đã được ông rồi bố, những tay chơi đồ cổ có tiếng trong vùng ngồi luận đàm cho nghe về các món đồ mà họ yêu thích, lĩnh hội được những kiến thức nhất định. Lớn lên một chút, gặp đúng lúc cảnh nhà khó khăn, có thời điểm anh “quên bẵng” thú chơi xa xưa. Đến năm 1983, anh bắt đầu lại đam mê và từ năm 1986 anh chính thức trở thành dân chơi đồ cổ chuyên nghiệp. Chơi đồ cổ, anh Thiện bảo, càng chơi càng “mê”. “Mê” đến mức, mua được hay chưa mua được món hàng ưng ý anh đều… bị mất ngủ. “Chưa mua được, chưa mang về nhà được thì lòng bứt rứt không yên. Sợ người khác mua mất, sợ mình đến mà không có duyên. Mua được rồi thì “sướng” quá, đêm nằm chỉ muốn lôi ra ngắm nghía, nhìn ngó, thành ra cũng không ngủ được”(!). Đến nay, trong nhà anh Thiện có khoảng… vài nghìn món đồ cổ được chia thành các mảng: đồ sứ, đồ gốm và đồ gỗ Tàu. Ở mỗi mảng anh lại có những món đồ quý khác nhau được định giá tiền tỷ, được giới nghề vị nể. Giới chơi đồ cổ phải trầm trồ trước những món đồ mà anh sở hữu như: Cặp đồ sứ song bình đời nhà Thanh, chiếc đồng hồ bằng ngọc của Pháp có trên 140 năm tuổi. Anh còn sưu tầm được chiếc phong cầm rất quý của một nghệ sĩ nổi tiếng với các phím đàn bọc bằng ngà voi. Theo anh Thiện, để bọc được hết các phím đàn, người thợ xưa có lẽ đã phải sử dụng tới 2 chiếc ngà của một con voi trưởng thành. Ngoài ra anh còn có hàng chục bộ trường kỷ làm bằng gỗ trắc thuộc sở hữu cung đình của bậc vua chúa quan lại đời Nguyễn. Trong nhà, anh đặc biệt dành một chỗ trang trọng để bày chiếc trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng 2.000 năm mà anh phải mất nhiều công lặn lội mới mang về được. Nhiều người trong giới nghề cũng đánh giá rất cao món đồ cọc hồ lô đời nhà Thanh mà anh đang sở hữu... Đối với các món đồ cổ sưu tầm được, món nào anh cũng quý, cũng có những kỷ niệm riêng. Tuy nhiên, vài ba món “gia bảo”, là quà của ông rồi bố anh để lại, tuy không có nhiều giá trị kinh tế nhưng mang lại cho anh giá trị tinh thần rất lớn, động viên anh giữ lấy “nghiệp nhà”. Đó là cái nghiên mực có từ thời nhà Minh, là cái tráp sơn son thiếp vàng đựng các loại giấy tờ, bút, nghiên mực… Sở hữu nhiều món đồ quý hiếm lại có kinh nghiệm và con mắt lựa đồ, chọn đồ, nhưng anh Thiện cũng tốn khá nhiều “học phí” cho nghề chơi nhiều công phu này. Không ít lần anh mua phải những món đồ “dởm”, đồ được “tút tát”. Để tránh những bài học “xương máu” khi săn tìm cổ vật, anh Thiện phải cố gắng hoàn thiện vốn kiến thức “thẩm đồ” của mình. Theo đó, anh luôn tự học hỏi, nâng cao trình độ để nhìn ra men, màu sắc, hoa văn đặc trưng… của các món sành, sứ, gốm. Đối với đồ gỗ, các vân gỗ là “tiếng nói chuẩn xác” nhất xác định độ sâu tuổi của món đồ. Săn đồ cổ, ngoài con mắt nhìn đồ, theo anh Thiện quan trọng nhất còn phải có duyên. “Có khi mình nghe nói ở đâu đó có đồ quý nhưng đến xem thì không quý như mình tưởng. Hoặc có đồ quý thật nhưng chủ nhân nhất định không bán”.

Trong xã còn có những cái tay chơi “nổi tiếng” trong giới nghề như anh Bào, anh Tân, xóm 10; anh Tĩnh xóm 34, anh Thi xóm 37, anh Lương Văn Minh, anh Huy “điếu”, anh Kim… Mỗi người chơi lại “tủ” cho mình những món đồ quý hiếm khác nhau. Đó là lô cổ vật đĩa Huế tích “Khánh xuân thị tả” của anh Kim, được giới nghề định giá tới 1,8 tỷ. Anh Tân có chiếc tủ khảm bằng gỗ trắc Tàu thuộc vào dạng đặc biệt quý hiếm. Anh Tĩnh xóm 34 có trên 10 bộ đồ gỗ trắc Tàu… Về Hải Minh, khách phương xa “hoa mắt” khi đến đâu cũng “vấp” phải những món đồ có giá từ trăm triệu đến tiền tỷ. Đó là những chiếc tủ chè khảm ốc già, ngả xanh hoa lý hay vàng chanh khi có ánh sáng chiếu. Vài chiếc sập gụ đen thẫm, bóng loáng quang dầu bao thế hệ. Ngoài ra còn cơ man câu đối, cuốn thư lóng lánh sắc vàng mười, các sắc phong còn nguyên dấu triện và các kiểu đồng hồ lên giây cót ODO 36/10 hay đồng hồ tủ cao to lừng lững gần chạm mái… Đồ cổ ở Hải Minh đa dạng nhưng tập trung chủ yếu ở các mảng sành, sứ, bàn ghế, sập Tàu, long sàng, ngoài ra còn có đồ đồng, đồ gốm… Người chơi đồ cổ ở Hải Minh chia làm “hai chiếu”. “Chiếu dưới” dành cho những người “mua chạy” mua đuổi, bán đuổi, ăn lãi mỏng. “Chiếu trên” là những thợ “tay to” chuyên ôm, găm hàng. Những người chơi hệ chiếu trên thường sở hữu trong tay một khối lượng tài sản khổng lồ. Nhìn vào gia tài các món đồ mà họ sở hữu, ai cũng phải trầm trồ thán phục.

Để tìm kiếm cổ vật, thợ đồ cổ Hải Minh không quản ngại lặn lội vào tận miền Nam, những vùng ngày xưa nổi tiếng về độ giàu có như Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang, sang cả Thái Lan, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a… để săn tìm. “Những bước chân không nghỉ” của thợ săn cổ vật Hải Minh đã làm giàu có thêm vốn cổ vật cho mảnh đất Thiên Trường nói chung, khẳng định được danh thế với giới nghề. Xuất phát điểm từ nghề buôn bán đồng nát, nhiều người trong số họ bằng sự chăm chỉ, kiên trì, ham học hỏi đã trở thành các “chuyên gia”, đại gia thực thụ. Mặc dù 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch dã, thị trường cổ vật có vẻ trầm lắng, người săn tìm cổ vật ở Hải Minh, do đó cũng bị ảnh hưởng. Nhưng họ xác định cổ vật cũng chính là “của để dành”, càng để lâu sẽ càng có giá. Đa phần người chơi đồ cổ ở Hải Minh có cuộc sống, cơ ngơi to đẹp, bề thế. Nghề chơi, vì thế đã “lại quả” xứng đáng cho tâm sức người chơi./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

Nguồn Báo Nam Định

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995