Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời tư

Cà Mau: Thân thương nghề xưa cũ

26/07/2021 - 2519 Lượt xem
Trong sự rộn rã, vươn mình của dáng phố Cà Mau hôm nay, vẫn còn đó những người gắn bó mưu sinh 20 năm, 30 năm với nghề may giầy dép, sửa đồng hồ, bán những mặt hàng từ đất... Những nghề tưởng đã thành hoài niệm vẫn hiện hữu trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, bình dị mà thân thương, tô điểm nét duyên cho phố phường tấp nập.

Nghề chọn họ và quyện chặt họ như cái duyên, cái nợ không thể buông. Biết rằng vất vả chỉ để mưu sinh, song con đường đến với nghề và sống với nghề ở mỗi người là một câu chuyện giàu cảm xúc, mà khi tường tận ta lại trân quý, yêu thương.

Nằm khiêm tốn giữa những cửa hiệu sang trọng trên đường Ðề Thám, Phường 2, TP Cà Mau, “cơ sở” may sửa giầy dép của ông Nguyễn Duy Hoàng (60 tuổi) là cái bàn nhỏ, thùng đồ nghề và cái ghế nhỏ đã theo ông hơn 30 năm qua. Hồi trẻ ông Hoàng là vận động viên câu lạc bộ bóng đá của tỉnh, trong một trận đấu không may bị thương ở chân, ông đành dừng đam mê sau 3 năm theo đuổi. Ông Hoàng kể lại: “Lúc trẻ tôi nghĩ mình cứ học tạm nghề này để chờ cơ hội tốt đẹp hơn. Nhưng rồi lập gia đình, những đứa con ra đời, vợ chồng tôi tất bật bươn chải, dần dà tôi thích thú và thấy nghề này như một bộ môn nghệ thuật chứ chẳng chơi”.

Ông Nguyễn Duy Hoàng ngày ngày tìm vui với nghề, cho đến khi mắt mờ, tay yếu…

Giầy dép bị bong keo, đứt quai, mòn đế… qua bàn tay tỉ mỉ của ông Hoàng mấy chốc trở nên đẹp đẽ. Vào cái thời “hoàng kim”, ông Hoàng còn “thiết kế” nhiều mẫu giầy, dép đẹp cho khách hàng, được mọi người ủng hộ nhiệt tình nên ông có điều kiện lo cho 2 con gái học thành tài. Giờ kinh tế phát triển, giày hơi cũ là người ta đã bỏ, mua đôi khác đẹp hơn, sang hơn. Khách của ông ngày một vắng, dù vậy ông vẫn ngày ngày tìm vui với nghề, cho đến khi mắt mờ, tay yếu…

TP Cà Mau cũng có góc phố của nghề… cũ, nằm trên đường Lý Thái Tôn, Phường 2 với chừng 20 tủ sửa đồng hồ, làm chìa khoá. Khách thưa dần qua từng năm, nhưng họ vẫn bám nghề, phần vì tuổi tác, phần vì nghỉ thì buồn. Trong chốn mưu sinh ấy không chỉ những người xuất thân từ dân lao động, mà còn có những trí thức chọn làm nghề tay trái.

Ông Nguyễn Quý Ngữ (67 tuổi) từng là giáo viên miền Trung tăng cường vào Cà Mau những năm sau giải phóng. Ðất lạ quê người, lương giáo viên thời đó không đủ trang trải, ông Ngữ chọn học nghề sửa đồng hồ, kiếm thêm thu nhập sau giờ dạy học. Vậy mà cái nghề ấy lại theo ông suốt mấy mươi năm, như người bạn đồng hành cùng gia đình ông vượt qua những chặng đường vất vả, gian nan. 3 người con của ông Ngữ đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ở TP Hồ Chí Minh, ông không còn lo nhiều về kinh tế, nhưng mỗi ngày vẫn phải có mặt nơi góc phố quen, nhâm nhi ly cà phê, ngắm quê hương thứ hai từng ngày đổi mới.

Nhịp sống phố phường đã tạo chỗ đứng cho nhiều ngành nghề tưởng chừng bị lãng quên. Tuy họ không là người trực tiếp sản xuất những mặt hàng thủ công, song lại là người biết trân quý và mang nét đẹp tinh hoa truyền đến mọi người. Gian hàng nồi, niêu, lò, thố… làm từ đất sét nung được bà Võ Thị Mảnh (Phường 4) chọn khởi nghiệp gần 20 năm qua. Nay tuổi cao (88 tuổi), bà để người con gái đứng tiệm trong coi. Thế nhưng, hàng ngày bà vẫn ngắm nghía, vuốt ve các mặt hàng và hỏi han chuyện buôn bán, xem đó là niềm an ủi tuổi xế chiều. Bà Mảnh bộc bạch: “Gần một thế kỷ tồn tại, đã có lúc nghề này rất hưng thịnh và phát triển mạnh. Sau này, nồi, niêu, xoong, chảo, ấm, lẩu bằng nhôm, inox phát triển ồ ạt và tiện lợi nên sản phẩm từ đất nung đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt, những người bán mặt hàng này cũng thưa dần”.

Con gái bà Võ Thị Mảnh thay mẹ trông coi gian hàng, nơi đây là niềm an ủi tuổi già của mẹ.

Miên man với nghề cũ, dấu xưa, để thấy giá trị tinh thần, giá trị thời gian khó có gì sánh bằng, vẫn mãi còn đâu đó trong lòng phố và cả lòng người dù nhịp sống có từng ngày thay đổi…

Mộng Thường

Nguồn Báo Cà Mau

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995