Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời tư

''Nghệ nhân'' đường phố

25/09/2020 - 2396 Lượt xem
Gần 20 năm qua, anh Phạm Ngọc Toán, tổ 15, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) bền bỉ “thổi hồn” vào các mô hình Trung thu. Những con rồng, con ngựa, con công, nàng công chúa, Thạch Sanh bước ra từ những câu chuyện cổ tích, qua bàn tay anh trở nên thật sinh động, hấp dẫn. Người dân xứ Tuyên vẫn thường gọi anh là “nghệ nhân” đường phố, bởi tiếng tăm của anh vươn xa khắp nơi. Cơ sở của anh trở thành địa chỉ đặt làm mô hình quen thuộc không chỉ trong tỉnh mà ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang.

Hoa tay tròn...

Vốn là một thợ điện, lang thang học nghề rồi làm việc 2 năm ở Hà Nội, trở về Tuyên Quang anh Toán mở cửa hàng sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng. Anh có tiếng là có hoa tay, khéo léo từ thời còn đi học, thế nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến theo cái nghiệp này

Anh Phạm Ngọc Toán, tổ 15, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).

Bố mẹ anh đều là công chức nhà nước. Những lúc rảnh rỗi, bố anh vẽ pano, áp phích quảng cáo, hoặc cắt tỉa, lắp ráp, trang trí hình con vật làm đồ chơi cho trẻ con, lúc ông tạo ra “tác phẩm” nào là cả nhà lại quây quần phụ giúp. Biết cậu con trai có năng khiếu cắt vẽ, thiết kế,... ông tặc lưỡi, có mấy ai sống bằng cái nghề này đâu, tốt nhất là con cứ đi học nghề điện mai này sẽ có tương lai. Nhưng đôi khi “công việc lại chọn người”, duyên số cứ đưa đẩy anh đến với cái nghiệp: Hội họa, điêu khắc, tạo hình. 

Nhìn một số chi tiết chạm trổ, điêu khắc trong đền Hạ (TP Tuyên Quang), nhiều người cữ ngỡ đó là thuê thợ lành nghề ở tận vùng miền nào về. Cách chạm trổ, điêu khắc với những đường nét tinh tế, hài hòa, theo đúng đường nét hoa văn của từng triều đại. Sự thật là Ban Quản lý Đền Hạ lúc đó có thuê 2  thợ ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay) về trùng tu, tôn tạo. Mải mê nhìn họ đắp mãi đôi rồng cuốn cột, anh Toán mày mò làm thử, ai ngờ làm nhanh và giống y như thật.

 Các cụ trông coi Đền cứ tấm tắc khen rồi bảo nhau, con cháu nhà mình làm được thì cho làm luôn. Vậy là anh bắt tay vào công việc khôi phục hoa văn, họa tiết tại đền Hạ. Chưa học qua một lớp điêu khắc, tạo hình nào, chỉ học hỏi ở các cụ rồi mua sách báo, có khi đam mê quá một mình anh bắt xe xuống tận làng nghề Sơn Đồng, Hà Tây để học hỏi cách pha trộn, cách đắp, vẽ trang trí theo đúng hoa văn của từng triều đại. 

Khi anh tu sửa xong Đầu đao, Mặt nguyệt, Cửa võng, Lầu cô, Lầu cậu, Lầu Sơn Trang... Tất cả đều theo nguyên bản, cách đắp, trang trí những nét vẽ rất thật và tinh tế khiến nhiều người ngạc nhiên. Anh Toán bộc bạch: “Chưa hiểu về hội họa, điêu khắc nên mình phải kiên trì học hỏi và cống hiến bằng cả cái tâm. Có hoa tay thì chưa đủ, mà cần phải có cả cái tâm nữa, như thế hoa tay mới tròn trĩnh được”. 

Người “thợ cả” tiên phong

Đối với anh, nghệ thuật đi liền với cái tâm và ý tưởng làm mô hình Trung thu cho các cháu thiếu nhi cũng xuất phát từ những trăn trở ấy. Anh nhớ lại: “Ngày đó tôi sinh sống tại tổ 5, phường Tân Quang. Tôi cùng anh em trong tổ ấp ủ ý tưởng làm mô hình từ lâu rồi, mãi đến năm 2003 mới thực hiện được. Thường thì, Tết Trung thu đến, bọn trẻ quây quần phá cỗ ăn bánh, kẹo, hát, múa... Đa số chưa hiểu hết được ý nghĩa của hai chữ “Trung thu”. Mô hình mà tôi làm đều phỏng theo các tích dân gian như: Đám cưới chuột, Anh hùng tương ngộ, Thánh Gióng... giúp các cháu thiếu nhi vui Tết mà không quên những nét văn hóa dân gian cha ông ta để lại”. Đó là động lực sâu xa thôi thúc anh và một số bà con trong tổ 5- Tân Quang thức suốt đêm hoàn thành bằng được những mô hình

.

Mô hình đèn Trung thu do anh Phạm Ngọc Toán, tổ 15, phường Phan Thiết thực hiện.

Năm 2003, tổ của anh đóng góp mô hình phỏng theo tích “Anh hùng tương ngộ”; năm 2004 là mô hình 12 con giáp; năm 2005 phỏng theo tích truyện “Trí khôn của ta đây”; năm 2006 phỏng theo tích “Thánh Gióng”... Bà con khắp nơi đến xem và học hỏi nhiều lắm. Tổ này làm tổ khác làm, phường này đua phường khác, mỗi năm lại có thêm nhiều mô hình lạ và độc đáo hơn. Từ đó, đêm hội Trung thu ở Thành Tuyên trở thành một nét riêng không nơi nào có được. Từ năm 2008 đến nay, nhiều tổ đến tận nhà đặt riêng cho gia đình anh Toán làm. 

 Để làm được một mô hình đẹp, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ thì người làm cần có đôi mắt tinh tế để tạo nên một khung cảnh hay một vật thể có hồn, hấp dẫn người xem. Trước đây, nguyên liệu chủ yếu là xốp, tre nứa nhưng qua thời gian, anh đã cải thiện mô hình với nguyên liệu hiện đại, có độ bền hơn và tính an toàn cao hơn, như: Sắt, thép, tre, nhựa mica… Theo anh, bước đầu tiên là có hình mẫu để cảm nhận, lựa chọn chi tiết chính để thể hiện lên khung, sau đó là trang trí. Nghe nói qua thì có vẻ nhanh gọn, dễ dàng nhưng khi được chứng kiến cả nhà anh làm mô hình thì mới thấy được sự kỳ công và tỷ mỉ của thứ “nghệ thuật” tạo hình này. Cả nhà anh, gồm: Bà Tích (mẹ anh), vợ anh, 2 cậu con trai đều là những “tay” phụ việc đắc lực cho anh.

Các bước chính như: Chia tỷ lệ, vẽ hình, lắp ráp, trang trí thì chỉ mình anh làm; công đoạn đơn giản như cắt, gọt, giũa thì cả nhà xắn tay vào làm cùng. Cậu con trai út Phạm Trung Kiên hăng hái phụ giúp bố. Đôi tay Kiên bé nhỏ khéo léo cắt những miếng nhựa mica theo đường vẽ. Bà Tích năm nay hơn 70 tuổi, đôi mắt vẫn còn sáng lắm, không cần đeo kính thế mà bà vẫn ngồi cả ngày gọt, giũa từng miếng xốp hay vót, chuốt từng nan tre, chuẩn bị đủ nguyên liệu cho cậu con trai “sáng tác”.

 Anh Toán bảo, con vật có thần thái, cốt cách hay không, phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó công đoạn phác thảo, chia tỷ lệ rất quan trọng. Đó là bước đệm đầu tiên để tạo nên thần thái của con vật: Cái uy nghi của con rồng, dũng mãnh của con hổ, cái hiền lành, chăm chỉ của con trâu... Công đoạn trang trí đòi hỏi cao về độ tinh tế, nhạy bén: Kết hợp hài hòa giữa hình khối, màu sắc, ánh sáng tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người xem. 

Trung bình mỗi năm, anh Toán được nhiều tổ dân phố, đơn vị tổ chức thuê làm khoảng 10 mô hình. Riêng năm nay khách hàng đặt tăng đột biến với 15 mô hình, nên phải thuê thêm 4 nhân công lao động, với mức công 300 nghìn đồng/ngày/người. Không chỉ trong các dịp Trung thu mà vào ngày thường, nhiều đơn vị ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng đặt làm mô hình trưng bày tại các điểm du lịch, khu vui chơi cho trẻ, nên đội ngũ công nhân ở đây không bao giờ hết việc.

Ông Nguyễn Viết Linh, Tổ trưởng tổ dân phố 15, phường Phan Thiết nói, năm nay tổ chọn làm mô hình có tên gọi là “Kim long phồn thịnh” với hình ảnh con phượng hoàng kiêu hãnh và con rồng uy nghiêm sánh bước. Mô hình nói lên mong ước đất nước hòa bình, ấm no, phát triển… Để hoàn thành được mô hình, ngoài sự đóng góp bà con trong tổ thì có công sức lớn của anh Phạm Ngọc Toán. Anh đã nhiệt tình lên ý tưởng, triển khai làm một cách nhanh chóng để các cháu vui chơi Trung thu.

Đam mê sáng tạo, hết lòng vì con trẻ, anh Pham Ngọc Toán đã tạo nên những mô hình đèn Trung thu đầy ý nghĩa. Từ đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa. Đồng thời, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Tuyên Quang đến bạn bè trong và ngoài nước; góp phần tạo nên Lễ hội Trung thu xứ Tuyên đặc sắc.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn
BTV Nguyệt Ánh

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995