Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Bật mí

Lịch sử các làng nghề mỹ nghệ kim hoàn

01/07/2020 - 2524 Lượt xem
Ở nước ta, nghề mỹ nghệ kim hoàn có từ hàng ngàn năm trước, trở thành nghề cổ truyền cùng với bao nghề thủ công khác.

Theo sử sách lưu lại, người có công khai sáng nghề kim hoàn là vị Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân từ một gia đình nông dân, thuở thiếu thời ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục của Nho giáo. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng. Thế nhưng, niềm đam mê lớn trong ông là trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Ước mơ mãnh liệt ấy ngày đêm luôn thôi thúc, buộc ông lên đường “tầm sư học đạo”. Để học được nghề, ông phải cải trang thành người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Bởi thời kỳ này chỉ có người Trung Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc.

Nghi lễ giỗ Tổ nghề

Tính hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm Kim Hoàn người Hoa cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông. Mặc dù người Hoa có tiếng là giữ nghề, không truyền cho người ngoài, nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi sẵn có, ông quan sát tìm hiểu và nắm bắt được biết quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Với ý chí phải học cho thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc và không từ chối bất cứ việc gì chủ sai bảo. Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.

Tay nghề của thợ kim hoàn ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo

Làng nghề kim hoàn Kế Môn, Huế

Năm 1783, ông Cao Đình Độ đưa vợ con vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên — Huế) lập nghiệp và truyền nghề cho con. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, con trai ông – Cao Đình Hương, tiếp thu nghề một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Tại Thuận Hóa, ông thu nhận đệ tử, truyền nghề cho họ, làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn từ đó… Mấy trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở Kinh thành Huế, sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước và sau này là vươn ra thế giới.

Làng nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương) 

Cho đến bây giờ, làng nghề làm vàng bạc Châu Khê, thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã có lịch sử tồn tại trên 500 năm, bắt nguồn từ Lưu Xuân Tín, quan Thượng thư bộ Lại dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1494) có công khởi dựng nghề đúc bạc nén của làng.

Là quan Thượng thư bộ Lại, nhưng ông Lưu Xuân Tín rất được triều đình nhà Lê tín nhiệm, giao cho trọng trách lập xưởng đúc bạc nén tại kinh thành Thăng Long, bởi thời điểm ấy, bạc nén là đơn vị thay thế tiền tệ trong mọi hoạt động kinh tế, buôn bán, trao đổi của xã hội. Được triều đình dành cho đặc quyền, Lưu Xuân Tín đã ưu tiên cho người làng ông lên Thăng Long lập xưởng đúc bạc tại phường Đông Các. Dần dần, từ nghề đúc bạc, những người thợ Châu Khê đã phát triển lên nghề làm đồ trang sức vàng bạc (còn gọi là kim hoàn). Kể từ đó, nghề làm vàng bạc Châu Khê trở nên lừng danh không chỉ ở Hải Dương mà còn lan truyền đến Hà Nội, nơi nổi tiếng với tên phố Hàng Bạc, tập trung rất nhiều thợ làm vàng bạc vùng này.

Làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm – Hà Nội)

Kiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước còn nghề làm vàng quì. Đây là một làng nhỏ cách trung tâm Thành Phố Hà Nội khoảng 10 km về phía Đông Bắc. Cả làng có khoảng 30 gia đình với tổng số hơn 200 người làm nghề dát vàng quì. Nghề làm vàng quì ở đây có lịch sử hình thành, phát triển trong khoảng 250 năm.

Ông Nguyễn Quý Trị đỗ tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1740 – 1786), thuở nhỏ ông sinh ra và lớn lên ở làng Kiêu Kỵ. Vào năm 1763, khi đang làm quan đến chức Tả Thị Lang, Hàn lâm viện trực học sĩ, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc. Trên đường công cán ông nhận thấy ở đất nước người có nghề rất hay: Nghề dập dát vàng bạc để sơn thếp vàng bạc lên câu đối, hoành phi… Ông cố gắng tìm hiểu và học cho được nghề. Khi về nước ông phổ biến cho dân làng.

Từ đó trở đi, dân làng Kiêu Kỵ sống hẳn với nghề này và đời sống trở nên khá giả hơn so với nghề nông. Đến nay người dân Kiêu Kỵ vẫn gìn giữ và lưu truyền lại nghề vàng quỳ cho con cháu.

Làng nghề kim hoàn ở Định Công (Hà Nội)

Làng nghề kim hoàn Định Công từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội và là một trong những điểm tham quan nức tiếng đối với du khách phương xa. Làng nghề kim hoàn Định Công hay còn được gọi là Định Công kim hoàn, nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai. Nổi tiếng với nghề kim hoàn có tuổi đời lên đến hơn 1000 năm, được xếp vào bốn nghề tinh hoa nhất đất Thăng Long xưa “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xá”.

Theo tài liệu ghi chép lại thì đồ vàng bạc do người làng Định Công chế tác vô cùng tinh xảo, nổi tiếng nhất đất Thăng Long. Người dân còn rủ nhau ra phường Đông Các nay là phố Hàng Bạc để hành nghề, giao lưu với các thợ bạc Đồng Sâm (Thái Bình) và thợ bạc Châu Khê (Hưng Yên). Thợ kim hoàn Định Công ai có vốn thì mở cửa hàng buôn bán trang sức mỹ nghệ cho giới nhà giàu, quan lại, ai không có vốn thì đi làm thuê cho các cửa hàng. Sự ra đời của nghề kim hoàn Định Công góp phần phổ biến thương hiệu phố vàng bạc mỹ nghệ cho Hàng Bạc. Đền thờ tổ đặt ở đây cũng chính là vì vậy.

Nguồn: congthuong.vn
(BTV Lưu Ly)

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995