Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Bật mí

Hà Nội: Hạ Thái - Cơ duyên trong từng nước sơn mài

13/02/2022 - 2767 Lượt xem
Cự Tràng trang, rồi làng Đông Thái, và nay là làng Hạ Thái, thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội, vốn có nghề sơn từ khoảng thế kỷ XVII. Đến nay, làng nghề vẫn duy trì được sức hút của sản phẩm truyền thống trong dòng chảy hiện đại.

Trước kia, do sự “khó tính” của sơn ta, người thợ làng nghề phải ủ tranh trong tủ kín gió và có độ ẩm cao để làm khô lớp sơn vừa vẽ. Muốn nhìn thấy tranh phải mài mòn đi. Các bậc lão niên ở Hạ Thái còn nhớ, khi mới ra đời, sơn mài chỉ có ba màu: sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo, bảng màu của sơn mài ngày nay phong phú hơn. Trong đó, pha sơn là công đoạn đặc biệt có tính quyết định. Mỗi gia đình, mỗi cơ sở có một bí quyết pha, tạo nên phong cách riêng. Việc pha chế sơn ta quyết định sự thành bại của sản phẩm, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín. Ngày nay, trong kỹ thuật pha chế sơn hiện đại, một vài thao tác được thay đổi nhằm tạo ra loại sơn mới có độ bóng, bền, đẹp.

Cho đến nay, người Hạ Thái quan tâm đầu tư phát triển nhất vẫn là nhóm sản phẩm sơn mài tâm linh, bao gồm sơn son thếp vàng, tượng thờ, tượng Phật, hoành phi, câu đối, trang, hương án, ban thờ, tủ thờ... Bà Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Hạ Thái, cho biết: “Nghề sơn mài tâm linh thu hút nhiều gia đình ở làng nghề với rất nhiều lao động. Sản phẩm không chỉ phục vụ đình chùa mà còn đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, đặc biệt là tượng Phật, hoành phi câu đối”.

Có thể khái quát các công đoạn của một sản phẩm sơn mài bao gồm: Cốt (hay còn gọi là vóc); Gắn; Đánh vải; Bó; Hom; Kẹt lót; Thí; Phun màu (hoặc dán bạc); Quang toát và miêu tả theo một số công đoạn chính sau: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Nhưng dù là khâu nào, người thợ cũng phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Một sản phẩm sơn mài chỉ đẹp khi được chạm trổ, tu sửa, đánh bóng, tô vẽ, trau chuốt, nâng niu bằng đôi bàn tay và cả cái tâm của người làm nghề.

Theo chị Yến, một người thợ sơn mài, người làng nghề thường nhớ những bước như sau: “Đục chạm, đánh giấy ráp, hom, mài, lót, kẹp, rồi lại mài, mỗi lớp lại một lớp mài, kẹp xong đến thí, thí hai nước, rồi lại sơn một nước, rồi đến nước cầm bạc, rồi sơn, rồi đến phủ bóng là bước cuối cùng”. Mỗi sản phẩm phải trải qua 15 - 16, thậm chí 18 lớp sơn, hoặc ít nhất cũng là 10 lớp thì mới đảm bảo chất lượng. Hiểu một cách nôm na, hai từ sơn mài chính là mô tả công đoạn quan trọng nhất để hoàn thiện sản phẩm: sơn và mài.

Chị Trần Thị Hà, Xưởng sản xuất đồ thờ Hùng Cường, vừa sơn bức tượng Cô Chín Thượng Ngàn, vừa thong thả kể trong lúc bức tượng từ màu hồng tươi hiện đại chuyển sang màu hồng đất truyền thống của nhiều thế kỷ trước: “Chỉ tính riêng công đoạn tôi đang làm, tức là sau khi tượng đã được tạc, cũng phải qua 9 lần sơn rồi mài mới ra được một sản phẩm hoàn thiện với thời gian khoảng 20 ngày”. Nhờ sự trau chuốt, tỉ mỉ đó của người làng nghề mà sản phẩm sơn mài tâm linh Hạ Thái nhiều năm nay vẫn được các đình chùa, miếu mạo, nhà thờ tổ cũng như nhiều hộ gia đình đặt mua. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng khiến làng nghề bị ảnh hưởng ít nhiều khi các cơ sở thờ tự không hoạt động thường xuyên và các doanh nghiệp, người phát tâm không cung tiến nhiều. Làng nghề hoạt động, nhưng số lượng lao động giảm khoảng 1/3 so với khi chưa có dịch.

Cũng như nhiều làng nghề khác, điều băn khoăn của người Hạ Thái chính là giới trẻ giờ đây không còn mặn mà với nghề truyền thống, nguy cơ mai một không còn xa. Chị Hà cho biết: “Một trong những phần công việc đứng trước nguy cơ thiếu lao động nhất là đục chạm, giới trẻ không còn thiết tha với công việc này nữa. Chỉ còn những người đã biết nghề là còn theo nghề. Sợ tương lai nghề cũng mai một đi”. Cùng chung nỗi lo với chị Hà, anh Thà, thợ chạm của Xưởng sản xuất đồ thờ Hùng Cường, cho biết: “Để chạm được một chân án quỳ phải mất 3 - 4 ngày. Tôi làm nghề gần 30 năm rồi, từ lúc 16 - 17 tuổi, nhưng giờ các con tôi muốn đi học để thay đổi nghề nghiệp. Nghề cũng mai một dần, máy móc nhiều, công nghệ khác rồi, trước làm thủ công là chính. Thu nhập của tôi khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày, so với các nghề khác không cao nên khó thu hút. Giờ muốn giữ được nghề thì phải cải thiện thu nhập, chứ không thì khó”.

Mặc dù có chút lo lắng cho tương lai xa, nhưng thực tế, sản phẩm sơn mài tâm linh của Hạ Thái vẫn đang có mặt ở mọi miền Tổ quốc, như một cách để bảo tồn giá trị văn hóa tinh thần của người Việt. Các họa sĩ và nghệ nhân trong làng vẫn sáng tạo nhiều mẫu tranh mới, màu sơn  mới với sắc độ khác nhau, sử dụng cách khắc trên sơn để tạo ra những đường nét mềm mại, uyển chuyển, sinh động.

Với đôi bàn tay khéo léo, tâm huyết trong từng nét vẽ, từng nước sơn, các họa sĩ tài hoa và nghệ nhân Hạ Thái đã tạo nên rất nhiều bức tranh sơn mài sống động tuyệt đẹp cùng hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm... trên các chất liệu gỗ, tre, nứa, song mây, composite, gốm sứ, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong nước và nhiều thị trường nước ngoài Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hạ Thái đang nỗ lực xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch làng nghề để thu hút du khách khi du lịch phát triển trở lại trong trạng thái bình thường mới./.

Tuấn Thùy/Báo VOV

Nguồn VOV

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995