Email: nguoilamngheGJA@gmail.com - Liên hệ quảng cáo: 090 777 5995
  1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Bật mí

Hà Nội: Ghé làng nghề thổi thủy tinh

25/09/2020 - 2316 Lượt xem
Từ nhiều đời nay, xã Thống Nhất huyện Thường Tín, Hà Nội được biết đến là làng nghề thổi thủy tinh truyền thống. Chỉ cần những công cụ thô sơ như đèn thổi, bình khí gas, người dân ở đây đã sản xuất ra nhiều sán phẩm từ thủy tinh như bóng đèn, chai lọ hay các vât dụng, đồ trang trí. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay mặc dù đã có những thay đổi đáng kể về phương tiện máy móc dùng cho sản xuất, nhưng một số gia đình vẫn còn giữ cách làm thủy tinh truyền thống.

Khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, người dân xã Thống Nhất hầu hết đều sống nhờ nghề thổi thủy tinh. Vào thời kỳ thịnh vượng nhất của làng nghề, nhà nào cũng liên tục đỏ lửa. Đây là một trong số ít những làng nghề có uy tín bởi sản phẩm đa dạng và chất lượng được đảm bảo, giá thành lại phải chăng. Ngày nào cũng diễn ra cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp không kể bất cứ mùa nào trong năm. Có những thời điểm, hàng sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản lượng, thương lái thường phải đặt hàng trước hàng tháng mới có. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, sản phẩm “thủy tinh Thống Nhất” trở thành thương hiệu chất lượng, uy tín được nhiều nơi biết đến và sử dụng.

Để làm ra một sản phẩm thủy tinh, cần trải qua nhiều công đoạn, từ việc chọn nguyên liệu, các mảnh thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn và được phân loại theo màu xanh, trắng khác nhau. Sau đó, các mảnh thủy tinh vụn hoặc cũ hỏng được tái chế lại bằng cách cho vào lò và nung cho nóng chảy. Tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm mà quy trình sản xuất có thể khác nhau như thổi, ép, kéo, cuốn… Tuy nhiên, phương pháp gia công truyền thống phổ biến nhất đã được áp dụng qua nhiều đời vẫn là phương pháp thổi.

Ông Hồ Văn Gừng vẫn giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống (Ảnh: M.Tiến)

Một cái ống sắt được sử dụng làm công cụ để quết thủy tinh nóng chảy vào đầu, sau đó dùng chính hơi thở của người thợ để thổi. Bằng cách này, thủy tinh ở đầu kia chảy nở phình ra như cái bong bóng xà phòng. Quá trình tạo hình cho sản phẩm được áp dụng trong lúc thổi, mỗi sản phẩm khác về chủng loại cũng có độ dày khác nhau. Người ta phải tính toán đến thói quen sử dụng để tạo hình sản phẩm và chế tạo để có độ dày, độ bền phù hợp và phải đảm bảo được giá thành sản phẩm sao cho hợp lý nhất. Người làm nghề cho biết, trong các bước tạo hình thủy tinh, kỹ thuật thổi là quan trọng nhất. Người thợ phải điều tiết hơi thở sao cho nhịp nhàng, phù hợp với từng loại sản phẩm. Vì vậy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề còn phải khéo léo trong thủ thuật giữ hơi thở, để thổi vừa vặn với hình dạng mà khách hàng yêu cầu.

Từng có hơn 40 năm làm nghề thổi thủy tinh tại làng Giáp Long (xã Thống Nhất), ông Hồ Văn Gừng chia sẻ: “Khi hơ thủy tinh trên ngọn đèn, người thợ phải đưa tay cho thủy tinh chín đều, quan sát bằng mắt thường, ước lượng được độ chín của thủy tinh để bắt đầu thổi, có những sản phẩm chỉ thổi vài lần, có sản phẩm cần phải nhiều lần hơ và thổi như thế mới hoàn thiện. Lúc này thao tác phải nhanh và liên tục, không được ngơi nghỉ, bởi thủy tinh ra khỏi lửa rất nhanh nguội, nếu dừng lại sẽ bị méo mó ngay tức thì. Lúc đầu mới làm nghề, mắt cứ phải liên tục nhìn vào ngọn đèn đang cháy hơn 1 nghìn độ C nên rất nhanh mỏi mắt và đôi khi không cảm nhận được màu sắc của thủy tinh để thổi. Phải mất một thời gian dài để quen với việc điều tiết mắt, đến bây giờ chỉ cần ước lượng thời gian và nhìn qua là có thể biết được nhiệt độ phù hợp”.

Mỗi hộ sản xuất thủy tinh đều giữ cho mình những bí quyết riêng trong công đoạn ủ sản phẩm. Từng sản phẩm sẽ được ủ với thời gian và nhiệt độ khác nhau, yếu tố này quyết định độ trong suốt cũng như độ bền của sản phẩm. Với những mẫu mã yêu cầu nhiều về số lượng, thành phẩm phải đạt tỉ lệ chính xác, đồng đều.

Với tốc độ phát triển “chóng mặt” của công nghệ sản xuất và nhu cầu của thị trường, nghề thổi thủy tinh truyền thống của người dân xã Thống Nhất cũng dần mai một theo thời gian. Đến nay, số lượng những hộ còn đang giữ nghề tại xã không còn nhiều, nhiều gia đình đứng trước nỗi lo thất truyền do không có người kế nghiệp.Một trong số ít người còn giữ nghề thổi bóng đèn dầu, ông Gừng cho biết, “Từ ngày có điện thì bóng đèn dầu tiêu thụ không mạnh như trước, ông vẫn duy trì sản xuất nhưng chỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng đèn dầu để thờ cúng, sản lượng không nhiều, các sản phẩm cũng không còn đa dạng như trước. Nhiều sản phẩm cần độ chính xác cao thì không thể làm thủ công, nếu nhập máy móc thì không thể làm nhỏ lẻ. Phần nữa bởi nghề này rất vất vả, lấy công làm lãi nên thu nhập không cao. Về sau này, sản phẩm của địa phương bán ra không nhiều như trước khiến nhiều gia đình từ bỏ, làm nghề khác với thu nhập cao hơn”. Gia đình ông hiện tại cũng chỉ làm một số lượng nhỏ đồ dùng sinh hoạt theo đơn đặt hàng, hoặc tái chế đồ dùng thủy tinh từ bóng đèn tuýp cũ hỏng đã bỏ đi.

Anh Lê Xuân Tiến (41 tuổi) với hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề cho biết: “Muốn làm nghề này, bản thân người thợ cần có sức khỏe và sức bền chịu đựng. Mùa đông thì còn đỡ chứ mùa hè thì lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi vì ngồi cạnh ngọn lửa nóng hàng nghìn độ, mặt nóng rát và đỏ bừng vì lúc nào cũng phải phồng má lên để thổi, nếu người thợ không yêu nghề thì rất khó để giữ được nghề”.

Đến nay, làng Giáp Long chỉ còn vợ chồng ông Gừng, gia đình anh Tiến và một vài hộ khác vẫn còn giữ cách làm truyền thống của ông cha để lại. Với ông Gừng, nghề thổi thủy tinh từng đem lại cho ông bà nguồn thu nhập ổn định, nuôi được các con cái học hành. Mặc dù hiện tại, thu nhập từ nghề mang lại không nhiều nhưng cũng đủ sinh hoạt để không phải nhờ cậy vào các con. Giữ nghề này cũng giống như giữ lại một kỷ niệm của ông bà từ thời mới cưới nhau, một phần cũng vì muốn bảo tồn truyền thống của gia đình.

Nguồn: laodongthudo.vn
BTV Mai Chi

Tin cùng chuyên mục


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGƯỜI LÀM NGHỀ
Trung Tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý
Giấy phép Hoạt động Thông tin Điện tử:  Số 231 /GP - TTĐT được cấp bởi
CỤC PTTH, TTĐT BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ngày 03/12/2019 
Cơ quan Chủ quản: TW Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam
Chịu trách nhiệm:  Ông Nguyễn Việt Thắng, UVBTV - Giám đốc GJA
Trụ sở Cơ quan: Số 07 Tôn Thất Thuyết, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại: (024) 39 195 195 * Email: NguoilamngheGJA@gmail.com
Trung Tâm GJA đã được Bộ Nội vụ chấp thuận và thành lập Theo TB
Số: 2638 BNV - TCPCP, Ngày 18 /10 /2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Mọi Thông tin Xin vui lòng liên hệ Đường dây nóng số: 
090 777 5995